Phong tục ngày Tết từ xưa đã có “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” – chỉ đôi câu đối đã toát lên không khí Tết rộn ràng, tất bật. Quan niệm về ngày Tết nay tuy có chút thay đổi nhưng vẫn còn rất nhiều phong tục cần chú ý.
Tết là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt nên rất cần được giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống. Nếu bạn chưa biết phong tục ngày Tết là gì thì đừng bỏ qua danh sách Marry đã tổng hợp sẵn dưới đây nhé!
Phong tục Tết Cổ truyền Việt Nam
Cúng ông Công, ông Táo
Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo phải lên thiên đình báo cáo mọi việc trong nhà gia chủ với Ngọc Hoàng. Vậy nên, tới ngày này các gia đình Việt Nam sẽ dọn nhà bếp sạch sẽ, mua cá vàng cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Sau đó người ta sẽ mang cá ra sông hay ao thả, ngụ ý “cá hóa long”, nghĩa là cá chép sẽ hóa rồng, vượt vũ môn, đưa Táo quân về trời. Ngoài ra phóng sinh cá chép cũng thể hiện ước nguyện từ bi, an lành trong năm mới.
Đi chợ Tết
Cũng là đi chợ nhưng chợ Tết thường nhộn nhịp hơn hẳn, ai ai cũng vui vẻ bởi không khí Tết rộn ràng đang đến gần. Các bà các mẹ lại được dịp trổ tài mua sắm, cân đo tính toán sao cho Tết thật đủ đầy, không thiếu món gì.
Gói bánh chưng, bánh tét
Vào khoảng 28-29 Tết thì các gia đình Việt lại nô nức tụ tập gói bánh chưng, bánh tét. Ngày nay nhiều gia đình chọn đặt bánh gói sẵn nhưng có không ít nơi người ta vẫn tự tay gói từng cặp bánh (bánh phải đi theo cặp mới đúng điệu).
Phải vô cùng khéo léo mới có thể gói ra chiếc bánh đẹp mà chặt dây. Nếu không khéo bánh sẽ bị nứt và thấm nước, gây nhão bánh.
Chơi hoa ngày Tết
Hoa đào miền Bắc, hoa mai miền Nam và cây quất (tắc) là những cây hoa đặc trưng không thể thiếu ngày Tết. Hoa trưng Tết thương tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc, thịnh vượng như hoa hồng, lan, hoa ly, cúc, vạn thọ, đồng tiền…
Mâm ngũ quả
Mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên là phong tục ngày Tết không thể thiếu trong bất kỳ gia đình nào. Mâm cúng là lời cầu mong một năm mới bình an, may mắn, phú quý, an khang.
Mâm ngũ quả nghĩa là mâm trái cây với 5 loại quả khác nhau. Tuy nhiên, ở các miền Bắc, Trung, Nam lại có cách sắp xếp và chọn trái cây khác nhau.
Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa
“Tống cựu nghênh tân”, Tết là dịp dọn dẹp trang hoàng nhà cửa. Phong tục này mang ý nghĩa là sắp xếp lại những điều còn chưa ổn thỏa, xóa bỏ điều không tốt và chuẩn bị đón năm mới với nhiều hy vọng tốt đẹp.
Thăm mộ tổ tiên
Con cháu trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm viếng, làm sạch đẹp nơi an nghỉ của ông bà tổ tiên và người thân của mình. Đây là một phong tục phổ biến của người Việt, thể hiện đạo hiếu, lòng kính trọng đối với đấng sinh thành và các bậc tổ tiên đã khuất.
Mua và xin câu đối
Tục xin chữ, xin câu đối nhằm cầu an, cầu tài từ các ông đồ hay chữ đã có từ rất lâu. Nay nhiều người chọn mua câu đối in sẵn, nhũ vàng lấp lánh nhưng không ít gia đình vẫn trung thành với “mực tàu giấy đỏ” đậm chất Tết xưa.
Cúng tất niên
Các gia đình Việt thường làm mâm cơm đơn giản, thắp hương mời thần linh, tổ tiên về ăn Tết cùng gia đình vào chiều 30 Tết.
Cúng giao thừa
Giao thừa là thời điểm chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, là thời khắc thiêng liêng, đất trời giao hòa. Lễ cúng giao thừa còn được gọi là lễ trừ tịch diễn ra vào phút cuối cùng của năm với ý nghĩa đem bỏ hết những điều xấu của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới. Lễ cúng giao thừa được thực hiện ở ngoài trời.
Hái lộc đầu Xuân
Hái lộc đầu Xuân là nét văn hóa truyền thống đẹp. Lộc vừa mang nghĩa là cành non vừa là tài lộc, việc hái lộc vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mùng một Tết nhằm cầu may mắn, rước lộc vào nhà.
Tục xông đất
Sau thời điểm giao thừa, người đầu tiên bước vào cổng nhà cùng với lời chúc mừng năm mới thì đó chính là người xông đất.
Theo quan niệm của người Việt từ xưa, người xông đất đầu năm có ảnh hưởng lớn đến tài vận gia chủ cả năm mới nên rất quan trọng. Gia chủ thường nhờ người hợp tuổi, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ để xông đất nhà mình.
Cúng mùng 4
Ngày mùng 4 tháng Giêng theo lịch cổ là ngày con nước. Trong ngày này, các gia đình làm lễ cúng tổ tiên đã về ăn Tết với con cháu và đốt nhiều vàng mã để tiễn ông bà về cõi âm có thêm tiền vốn, phù hộ độ trì cho con cháu hậu thế làm ăn phát đạt.
Ngoài ra, ngày con nước theo dân gian Việt là ngày cực xấu, trăm sự đều kỵ, nhất là sự việc xảy ra lại rơi vào giờ con nước xuống. Thế nên ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng, người ta kiêng xuất hành là vậy.
Khai ấn, khai bút
Đầu Xuân, nhằm ngày tốt, giờ tốt, người có chức tước khai ấn (đóng con dấu đầu tiên trong năm); Học trò, sĩ phu khai bút (viết một bài văn, câu thơ đầu tiên của năm); Nhà nông khai canh, (làm đất, cày ruộng, trồng, cấy lần đầu tiên trong năm); Người buôn bán thì “khai thương”, (mở hàng lần đầu của năm mới)…
Chúc Tết và lì xì đầu năm
Người Việt có phong tục đi chúc Tết họ hàng, bạn bè dịp Tết. “Mùng Một tết cha, mùng Hai tết mẹ, mùng Ba tết thầy” là câu thành ngữ khái quát cho tục chúc Xuân.
Mùng Một là chúc Tết bên nội, mùng Hai bên họ ngoại. Người Việt vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo nên mùng Ba được dành riêng cho việc chúc Tết thầy cô.
Khi chúc Tết người lớn thường mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới đựng trong bao lì xì đỏ. Tục lì xì này có từ rất lâu, người xưa tin rằng ánh sáng và tiếng leng keng của đồng tiêng mới sẽ xua đuổi tà ma, bảo vệ con trẻ lớn lên khỏe mạnh. Tiền mừng tuổi chủ yếu là để cầu may mắn, không quan trọng số tiền nhiều hay ít.
Xuất hành
Ngày mùng một Tết Nguyên đán, người Việt chọn giờ đẹp, hướng đẹp hợp với tuổi để xuất hành với hy vọng gặp may mắn cả năm mỗi khi ra khỏi nhà.
Lễ chùa
Không chỉ Phật tử, nhiều người Việt cũng đi lễ chùa đầu năm để cầu một năm mới may mắn, phúc lộc cũng như tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên.
Những phong tục tập quán của người Việt xưa
Sêu tết
Ngày xưa các cặp trai gái còn đương lúc hứa hôn thì trước Tết người con rể tương lai phải mang lễ đến biếu bố mẹ vợ. Ngày nay tuy chúng ta vẫn mang quà biếu tặng nhưng chắc ít ai biết đây vốn là một tục xưa.
Trồng nêu ngày Tết
“23 tháng Chạp dựng nêu, mùng 7 tháng Giêng hạ nêu tiễn ông bà về trời”. Cây nêu là hình ảnh mang tính chất biểu tượng, thường được trồng ngay trước sân nhà dịp Tết Nguyên đán. Trên ngọn cây treo nhiều vật dụng theo ý nghĩa tâm linh là có thể xua đuổi ma quỷ và cầu mong năm mới tốt lành.
Tuy nhiên, hiện nay tục trồng nêu ngày Tết đã dần mai một, thay vào đó người dân thích chơi đào, mai, quất cảnh
Hát sắc bùa
Sau giao thừa, những đứa trẻ con nhà nghèo tụ tập thành nhóm, đến cửa các nhà trong xóm vừa hát vừa gõ trống. Chủ nhà bao giờ cũng sẽ mở cửa phát tiền mừng tuổi cho các em để hai bên cùng gặp may.
Gánh nước cầu may
Ngay sau giao thừa hoặc sáng mùng một, người ta mang thùng ra sông hoặc ra giếng làng gánh nước về đổ đầy chum vại với niềm tin mọi thứ phải đủ đầy đặc biệt là nước bởi câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tết phải đủ nước, đầy gạo, dồi dào đồ ăn thì năm sau mới thịnh vượng, phát đạt.
Những phong tục ngày Tết là nét văn hóa đẹp được đúc rút từ hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt. Có một số đã mất đi, một số đang dần mai một nên rất cần được chung tay gìn giữ, phát huy, đặc biệt là bởi các bạn trẻ. Bạn đã nhớ hết phong tục của ngày Tết là gì chưa?
---Nguồn: Marry---
——————————
Mọi thắc mắc xin liên hệ
Địa chỉ: 77 Phan Đình Phùng, phường 17, quận Phú Nhuận, Tp. HCM
Hotline: (028) 3916 0820 – (028) 399 00216 – 0902 466 438
Email: order@greenlifegroup.com.vn
Fanpage: GreenLife Viet Nam